Wednesday, 30 November 2011

Chi cái chi con

Anh tờ “ê cô” hồ hởi hỏi thẳng:

Tete biết khi nào dùng cái, khi nào dùng con không?

Theo Quấc âm tự vị thì...

Ậy, chú sao lúc nào cũng “gồng” theo sách chi vậy, thư giãn, mềm mại coi.

Gồng cứng đã khó, giãn cho mềm, cho dài... còn khó trời gầm anh ơi.

Coi anh nè, cái bàn, cái nhà, cái ly, cái của nợ v.v. con mèo, con thiên nga, con vợ v.v.

Vầy chắc đồ vật thì cứ bụp cái còn sinh vật thì chơi con là ổn hả anh?

Cái cò, cái vạc là đồ vật sao tete; con đường, con sông, con thuyền là sinh vật sao tete...

Thôi, hổng kể những ngoại lệ anh có nguyên tắc chung chung dễ áp lai thì chỉ đại đi.

ờ, em nói giống cô bồ người nước ngoài của anh (ghen tị với cái tài của anh đó); anh đã từng chỉ cổ cứ cái gì đứng yên là cái, nhúc nhích là con và hầu như cổ xài đúng phóc. Đặc sắc (anh chỉ kể em nghe thôi nghen) là cổ nghe xong áp lai liền: Cười cười tinh quái cổ bảo đúng rồi đa lìng, cái của anh biết cựa quậy, nhút nhít nên kêu là "con"; còn của em thấy ù lì kêu "cái". Wow.

 

Saturday, 12 November 2011

Vui là từ... tuổi biết buồn, đã buồn rồi sẽ buồn

Bởi vậy đọc bài thơ của Mạch Nha lại thấy... tưng tưng (làm như cao su hay sao).

Định Nghĩa Nỗi Buồn

 

Nỗi buồn: võ sĩ quyền anh

Lên cơn, nó đấm pình poành vào tim

Tim mình: bọc máu làm thinh

Xuất huyết nội, chảy loanh quanh trong mình

 

Nỗi buồn: tên lửa không phanh

Lên cơn, nó bắn tanh bành ruột gan

Ruột gan mình: cõi lầm than

Mã mồ chen chút đất hoang vẫn thừa

 

Nỗi buồn: con chó làm quen

Lên cơn, nó sủa leng keng mấy bài

Tai mình: thung lũng nối dài

Bao nhiêu kèn trống vẫn hoài lưng lưng 

 

Nỗi buồn: xương cá ba que

Lên cơn, nó chọt toé loe trong mồm

Họng mình: miếng mốp mềm xèo

Trời sinh ra để xương trèo vào đâm

 

Nỗi buồn: tẩm ngẩm cái vằm

Lên cơn, nó ngoáy vòng vòng vài tua

Thịt da mình: đất không vua

Giặc vào đánh phá thì thua là thường

 

Nỗi buồn: mảnh vỡ tâm gương

Lên cơn, nó rạch một đường ngọt ngay

Mặt mình: mưa bóng mây bay

Phù du mấy cũng biết tay nỗi buồn 

 

(Tháng giêng tây, hai không không bảy )

...bé... dại

này bé dại!

lại đây...!

ngồi xuống...!

Ngắm:
- những bông đời tôi hái giữa trăm năm.
tôi không bán. Chỉ mời em tự nhặt:
- một bông tôi từ giỏ-cũ-tâm-hồn.

Trích thơ DTL

Tuesday, 8 November 2011

Học, học nữa, chơi, chơi thêm

Một thuở nọ (thực ra là mới bữa trung thu năm nay), tete tình cờ học được mấy tình huống rất hay. Sau đây kể lại theo mức độ tự cảm nhận.

Tình huống 1: tạm gọi tên là mày chơi thì bố mày cũng chơi.

Nghe thì giang hồ vậy đó chứ tình huống này dễ thương cực kỳ. Số là trong nhà thiếu nhi thành phố HCM, góc cổng vào trên đường Lê Quý Đôn có một căn (không biết gọi là căn gì), à chắc là căn phòng vì có biển ghi phòng tập judo và aikido (thường gọi là nhu đạo và hiệp khí đạo). tete đang thơ thẩn hứng mấy giọt mưa thì thấy phòng này có người tập nên thẩn thơ lại gần coi chơi và nếu được thì tiện thể học lóm mấy miếng phòng tấm thân hớ hênh. Ấn tượng đầu tiên là bà thầy, à là nữ huấn luyện viên có tướng tá rất... đã làm tete nhớ ngay đến diễn viên võ thuật hương cảng là Hồng Kim Bảo, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, sắc bén dù có khung hơi kingsize. Đừng nói ổng béo phì nghe, ổng bị chấn thương lúc trẻ nên không kiểm soát được cân nặng đó (mập dễ thương), chắc cô giáo cũng không cố ý để... dễ thuơng đâu há.

Phòng cũng không lớn lắm và số học viên chắc chưa tới 30 chục rất thiệt tình bẻ tay, bẻ chưn, vặn cổ, bóp... tete không biết từ chuyên môn của Aikido nên tả thực vầy thui. Cô giáo kêu tên từng người luôn nghe (y như khi đi máy bay mà chó ngáp phải ruồi được ngồi hạng thương gia là mấy cô chiêu đãi viên cũng kêu bằng tên – a, ông te ơi, ông te à, ông tete ăn..., tê rần). tete nghe đại loại, Bèo vặn mạnh vô; Tấm xoay hông cho dẻo coi; Vịt đè em nó sơ sơ thôi; Kiều Diễm Huyền hông được ẹo ẹo zậy, phải vẹo vẹo vầy v.v. cặp nào trước khi tập đều phải cúi đầu chào cô (không biết kêu là sư phụ hay sư tỉ hay sư mẫu) dù cô có nhòm hay không, tập một đòn xong, cả hai lại chào cô cho dù cô không thấy.

Có một ông nọ mang đai trắng (chắc mới học), nhòm xa xa tưởng là chú sinh viên, đòn thế thấy lóng ca lóng cóng chả ra làm sao (không làm được chứ chê thì rất làm sao nhá). Cô giáo kêu một em bé, kiểu ê Tý qua cho anh Tú Cát tập đòn này coi, ảnh chưa thuộc lung. Tội nghiệp Tý phải đánh vật với Tú Cát để ảnh vặn tay cho đúng cách... đau. tete thấy thương Tý nên say mê coi cặp này...



Hết giờ. Thấy anh Tú Cát tới bỏ đồ chung với một bé gái đã đeo tới đai màu (xanh hay vàng hổng nhớ rõ) rồi nói zìa con! Uả, tete cứ lom lom nhòm mãi hai cha con này. Anh Tú bước ra cũng nhòm lại tete cười cười (ý chắc muốn đấu tay đôi với tete hả, còn phia) xong nháy mắt với tete một cái (ý chắc anh chả chấp chú tete tẹo nào). Híc.

Chỉ còn vài giọt mưa rớt trúng ngay mũi và khoảng sân ướt lướt thướt im bặt và tete đang đánh vật về tình huống rồi. à phải rồi, thay vì ngồi chờ con học hay lê la trên sân như tete, ảnh ghi tên học luôn với con. Ơ rề ca, ha ha hay như anpha chống bêta.

Tưởng tượng một ngày nọ, sau khi áp dụng kinh nghiệm học chung của anh Tú Cát, tete sẽ nhuần nhuyễn cắm hoa, làu làu tiếng anh pho kít, thành thạo a ê rô píc, bơi chó như vít, múa bụng rin rít... vừa mừng cho tấm thân hớ hênh vừa lo không biết mấy đứa tete đời F1 có kham nổi không?



Tiến.

 

Wednesday, 2 November 2011

Vành trong ít chữ, vành ngoài vô tư

Nhờ “văn phòng giao dịch” là tiệm cà phê của anh hàng cà phê mà tete có cơ duyên gặp lại những bạn cũ đến không ngờ.

Gần đây là một người bạn từ thời cấp 2 giờ đã là tiến sỹ thần học từ mỹ về dạy... tiếng anh ở đại học. Ôi thôi hàn huyên - thì cũng là chuyện ôn nghèo, khoe khổ của những Nhiễm xưa. Chuyện đông tây, trên trời dưới bể vân vân nhưng rồi sao đó mà đến lúc gã tiến sỹ nói lên (không nổ) chính kiến và tete học lóm được.

Hắn nói tui chỉ biết tiếng anh (hơi xạo nhưng tạm chấp nhận vậy) nên tui nói về tiếng anh nghe. Đơn giản lắm tiếng anh có tru nên có trớt.

Là sao?

Là có sự thật (truth) thì có niềm tin  (trust), vậy thôi tete và qúy anh.

Rồi hắn nói thêm hơi khó hiểu vì có vẻ hàn lâm là nội vi và ngoại biên có mối tương quan chặt (hắn không nói rõ giá trị hệ số, tuyến tính hay phi tuyến).

Là sao?

À, thì nội vi càng hẹp càng mơ hồ thì ngoại biên càng rộng càng hồ mơ.

Là sao?

À, ví dụ một khái niệm không định nghĩa rõ cả về định tính và định lượng thì tete tha hồ diễn dịch những phần liên quan đến định nghĩa này vậy mà.

Vậy nội vi có tương đương nội hàm không, tete khoe chữ liền.

Là sao?

Tui cũng không biết nhưng thấy các cán bộ, các chính khách hay nói chữ nội hàm nên liên tưởng vậy thôi mà bạn tiến sỹ (thấy có chữ nội giống nhau đó, hơn nữa vi cũng có vẻ toán học như vi phân, vi tính, chu vi mà hàm cũng có vẻ toán học như hàm số, hàm hồ (bậy không phải toán)).

ờ, vậy để tui về nghiên cứu rồi trả lời sau nghe tete. Để tui kể một chuyện vui thay đổi không khí là chuyện cá lóc chết vì ngộp nước.

Tiếc là tete tới giờ đi làm nên đành phải tạm biệt bạn ấy dù ấm ức không biết hắn định móc ngoáy gì mình không?