Tuesday, 30 October 2007

Em vào Harvard!




Bạn đã nhận được học bổng chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh của đại học Harvard, chúc mừng! Trời quả là điều quá sức mong đợi của em...

Vậy là em khăn gói quả mướp đến thăm trường theo lời mời của bà giám đốc chương trình trước khi nhập học vào niên khoá 2008. Ngày xưa Thanh Tịnh bảo “mỗi năm cứ độ thu về...” nhưng em học như con vẹt, đọc toe toét mà chỉ thấy trong lòng ảo nảo vì đã hết những ngày bắn chim, bắt chuồn chuồn, vặt cánh bướm (ác gì đâu) và sắp khải đóng phim buồn tới hai cái lục cá nguyệt với quý thầy cô bạo tàn. Sau này em mới biết thầy cô thiệt là nhân từ, thương mới cho roi cho vọt chứ (thời ý chưa có hình phạt... liếm ghế), ghê cả lưỡi! Vậy mà năm nay, đến độ chớm thu, em lại sắp được cắp sách đến trường. Nói sao hết những bổi hổi bồi hồi của kẻ học trò tuổi đã vào thu lại nhí nhảnh chân sáo vào những ngày trời xanh ngăn ngắt, lá xanh tít tắp xen những bệt vàng ươm như có ông hoạ sỹ quái quỷ nào bệt một nét đại cọ giữa trời.

Thú thiệt với các bác, em cực kỳ choáng với “thành phố” đại học này (xời tưởng chuyện gì). Tung tăng đôi chần trần (mang giày chứ) chứ hổng phải bằng chuột trên những thảm cỏ mịn màng trong nắng thu, nện gót trong thư viện hàng trăm tuổi (đi rón rén thì có) thiệt là vi vút! Ấn tượng, ấn tượng, quả là hảo đại học (chuyện này dù đã có nhiều người nói nhưng em vẫn quyết nói tiếng nói của em). Thành phố Boston có dòng sông Cheo (là dân bản địa đọc từ chữ Charles, mình thì đọc là Sạc lơ, giông giống Sạc lô) thì Hardvard và MIT nằm dọc hai bên bờ sông này.

Đầu tiên theo truyền thuyết, em vội vàng đến sờ chưn ông Harvard, vì ai đã sờ được chưn ông này đều sẽ được vô đây học (dân tây cũng mê tín hen). Để chắc ăn, em sờ luôn hai chưn (dân Việt mình hay tranh thủ, ai trách mặc kệ) biết đâu được vô đây học hai lần thì càng oai, oái! Mà thiệt ra tượng của ông này cũng khá giản dị và khiêm tốn; có điều hơi cao chứ không em sẽ ráng sờ những chỗ độc hơn biết đâu lên làm tới hiệu trưởng hay giám đốc điều hành thì bà con lại được nhờ.

Phải chi đọc được (giờ cũng chưa đọc) "Em phải đến Harvard học kinh tế" của bà mẹ Lưu Lệ Hoa truyền kinh nghiệm huấn luyện cô bé Lưu Diệc Đình vang danh khắp thế giới khi được tới ba trường đại học danh tiếng của Mỹ cầu cạnh làm sinh viên của mình thì chắc em cũng đâu có kém gì (phải tự tin chứ)!

Chắc nghĩ em con của ông vua rác, không phải nói là vua dầu mỏ nào đó ở “Hòn ngọc Viễn Đông” xưa nên bà này hướng dẫn thiệt là tận tình. Nghĩ dân phương Đông quan trọng “đất lành chim đậu” nên bả dẫn đi coi chỗ đậu trước, nghĩa là nơi ăn nhờ ở đậu đó. Nhìn chung chim bướm gì mà đậu được chỗ đó thì coi như OK. Với lại qua đây chắc bay suốt ngày thì đậu xuống chắc gì đã có thời giờ nghĩ ngợi nên chắc chỉ còn đủ sức lăn đùng ra ngu (ngủ khò). Khu này trông giản dị vậy nhưng nghiêm ngặt nghen: vô ra phải có thẻ, lên thang máy phải có thẻ (dân tây sao nô lệ cái thẻ quá trời, cái gì cũng thẻ, ta cũng bắt đầu quen với thẻ mà lại).

Xong phần duy vật, ta qua thượng tầng kiến trúc với đại biểu xuất sắc là thư viện. Bà giáo biểu là tuy có duy tu, nâng cấp, xây thêm nhưng mọi chi tiết phải bảo đảm hài hoà và giữ nguyên chất như cả 100 năm trước. Chi mà nệ cổ cho khổ vậy. Oà, vào trong mới thấy thiệt là không cổ sao có kim hay kim cổ giao duyên mới sinh ra được nhiều thứ (ai biết thứ gì).

Thôi tới đây tạm ba chấm, chầm chậm xuống hàng nghen, thông cảm.

Nếu năm sau thấy em ít viết bờ lốc, thấy nhớ em thì vui lòng dùng điện thư liên lạc nghe (chắc tại em bận học quá thôi mà, hay lo ăn chơi nhảy múa ai mà chắc). Nhưng biết đâu nhờ được khai sáng đầu óc, em lại viết toàn bằng tiếng ăng lê thì cũng đừng phiền hén. Bờ lốc cũng phải mang tính gờ lô bôn cho nó có khí chất nhân loài.

(Ráng coi tiếp tập sau hen...)

No comments:

Post a Comment