Tuesday, 31 March 2009

Khoái trượt tú tài


 haircutmonk1magnify



Chuá Nhật là ngày không được làm việc nên ta phải giải trí. Ngon bổ rẻ, thậm chí miễn phí là đọc báo ké. Chúa dạy chớ hề trật lất nghe.

Trên báo NLĐ CN có truyện ngắn của nhà văn Ngô Phan Lưu đọc vui vui, man mác... khoái tỉ tê là cái đoạn giai thoại về ông thánh cũng phải khóc than (Thánh Thán):

 

“... Ngày xưa, có lần ngài Kim Thánh Thán đi thi tú tài, đề mục thi viết bốn chữ. Bài của ngài như sau:

“Xuất kỳ Đông môn, Tây Tử bất lai

Xuất kỳ Nam môn, Tây Tử bất lai

Xuất kỳ Tây môn, Tây Tử bất lai

Xuất kỳ Bắc môn, Tây Tử bất lai

Tây Tử lai hồ?

Tây Tử lai hồ?”.

“Là sao?” – tôi hỏi.

Chú thợ đáp:

“Đi ra cửa Đông, Tây Thi không đến

Đi ra cửa Nam, Tây Thi không đến

Đi ra cửa Tây, Tây Thi không đến

Đi ra cửa Bắc, Tây Thi không đến

Nàng có đến không?

Nàng có đến không?”.

Tôi nói:

“Bài văn lạ kỳ”.

Chú thợ lại nói:

“Thầy giáo chấm thi đọc thích quá, liền hạ bút phê:

“Trí chi nhất đẳng, vô thị lý dã

Trí chi nhị đẳng, vô thị lý dã

Trí chi tam đẳng, vô thị lý dã

Trí chi tứ đẳng, vô thị lý dã

Tú tài khứ hĩ

Tú tài khứ hĩ”.

“Là sao?’ – tôi lại hỏi.

Chú thợ đáp:

“Xếp bài hạng nhất, thật là vô lý

Xếp bài hạng nhì, thật là vô lý

Xếp bài hạng ba, thật là vô lý

Xếp bài hạng tư, thật là vô lý

Tú tài trượt rồi

Tú tài trượt rồi”.

...”

 

Tương truyền ông hay than như thánh này tuy bị đánh trượt nhưng xem được lời phê của giám khảo có tinh thần hài hước cũng lấy làm thú vị nên không buồn hỏng thi. Hơ hơ, vậy mí đúng chứ.

 

Tự nhiên cảm thán mà túi tác:

Ziết blog bữa trước, chả ai thèm còm

Ziết blog bữa sau, chả ai thèm còm

Ziết blog bữa hôm, chả ai thèm còm

Ziết blog bữa mai, chả ai thèm còm

Không còm cũng viết

Không viết cũng còm.

TB: ai thik thì đọc truyện “Thợ hớt tóc đường Bà Triệu” ở đây nè: http://www.nld.com.vn/20090329092954822P1020C1025/tho-hot-toc-duong-ba-trieu.htm

Saturday, 14 March 2009

Chẳng ru cũng khoái 1


banlasinhvienthuctap





Tự nhiên đọc lời bạt của bác Ngọc cho biết nguồn cơn “chẳng khoái ru” của Kim Thánh Thán, tete tự thấy mình cũng phải ráng moi ra những thứ ru hoài chẳng khoái để viết hầu mí bạn cho ai cũng được thư thả, giãn hết tâm trí hay bị xì chét. Mở hàng nè...

 

Gửi người bạn nhỏ nhưng... to!

Bạn là sinh viên ngoại ngữ về thực tập tốt nghiệp tại cơ quan tete. Xong. Bạn tặng tui món quà. Tuy rất quý nhưng tete chưa nhận mà hứa. Hả! nhận quà mà còn hưá hẹn rắc rối. Vậy mới có chiện mà 8.

Này bạn nhỏ mà to kia. Ta là kẻ đầu đội trời chưn đạp đất (ai chả vậy). Cất quà đi (là đem về nhà á). Khi nào có chỗ làm hẳn hoi rồi muốn tặng, biếu, cho, gửi v.v. gì cũng đặng. Nghe xong, ta nói bạn này khổ sở gì đâu, vừa muốn giải bày vừa muốn tâm tình, thậm chí muốn chửi lun mà đâu có được. ho ho. Nói nhỏ, nói to, nói vừa vừa cũng không xong, bạn í nặng nề, thậm chí bẻ bàng (nói bình dân học vụ là wê á) đi về. Biết sao chừ (thông cảm nghe). tete cũng thấy buốt buốt nhưng ai lại đi nhận quà ngang mức tình cảm vậy chứ hả. ha ha. Hết chuyện...

Hết thì lãng xẹt wá nên vẫn còn tiếp: 8 tháng sau.

Ngày nọ, đang ngồi vô tư lự trên bàn làm việc tự nhiên nhác thấy một bóng đen lù lù tiến về tete. Tưởng là xếp wa hỏi thăm nên vẫn cắm mặt xuống bàn vô tư lự ruì hỏi có chiện gì hả xếp, iem đang loàm ziệc nè. Tự nhiên nghe réo rắt tete, ê tete. Hơ. Thì ra là kẻ-tặng-quà-mà-ai-không-nhận. Chèn ơi. Ngạc nghiên chưa! Rồi. Chời, lâu quá không gặp. Làm ở đâu? Kiếm được nhiu? Khỏe không? Về đây chi zậy... tự nhiên thấy cũng hơi zô ziên mừ lại xâm phạm đời tư, tete vội nín thinh như thắng xe cái kịch, lết bánh lun (tete vốn là ngừi tế nhị, hì). Rùi cười bẽn lẽn, nói nhẹ nhàng ngồi chơi.

Tui tặng tete món quà kỷ niệm nè, mua tận bên trung hoa lựn đó.

Vậy hả, quý hoá ghê, quà có giá trị không nó. Lại thắng cái kịch, lết bánh (ai lại thô thiển, material boy zị). Bày vẻ chi tốn kém quá, bạn tới thăm là tui cũng đủ tê rồi. Ờ mà ngày xưa tui có hưá sẽ nhận hả. Nói thì phải giữ lời chứ, thôi đưa đây coi đáng giá cỡ nào, lại thắng lết bánh, hic! (Bữa nào phải sửa cái thắng trong ngừi lại mới được).

Để sửa lỗi (wá trời nãy giờ), tete nâng niu hộp quà màu xám đậm (như nâng trứng đà điểu vậy đó, nói thiệt), cột nơ bằng dãi ru băng thiên thanh. Nương nhẹ, rón rén mở ra như mở kho báu của alibaba vậy đó (cũng thiệt lun). Thấy một quả cầu (hình trên cùng á). Tính la lên tui đâu có phải bốc sư, chiêm tinh da. Tiếng réo rắt cất lên: quả cầu thuỷ tinh này là để làm tăng sức khoẻ đó tete (ngừi bán nói chắc vậy mừ). Quyết tâm không dùng thắng nữa, tete cũng véo von nói. Cám ơn, cám ơn, xin cám ơn. Rùi cười biết ơn.

Bạn vui vẻ ra về rất hài lòng (như trả được món nợ khó trốn, híc). Tete vui vẻ chưng lên bàn và thấy sức khoẻ tăng lên liền (ai nói dân trung hoa khéo nói để bán hàng cơ chứ). Từ bấy đến nay, quả cầu vữn nằm đó, tete vữn ngồi đây, ngày lại ngày nhìn lá vàng rơi mừ thấy thời gian cứ như ngựa hoang, ruì nghe sức khoẻ cứ dâng trào trong ngừi như triều cường cuả thành phố. Không chóng thì chầy tete sẽ đổi nick thành batmante. Hehe.

Đêm nào tình cờ thấy có ngưòi bay bay trên bầu trời đầy sao, nhiều lá me, các bạn đừng có bất ngờ nghen mà hãy tự hào mình là người có quen với thằng cha anh hùn chuyên bay khơi khơi ngắm cảnh kia.

Sunday, 8 March 2009

Hiệu nào mí là hàng hiệu?


hanghieu11 magnify



Thầy đang trong cơn ngà ngà hỏi trò tê tê:

- tê hiệu qủa hay tê hiệu suất

- Để em zọt lên net tra cái định nghĩa này đã nhe thầy

Ối trời, nhà thầy không có máy tính, tê có cái xách tay đời mới nhứt nhưng biết tìm đâu ây đi ét eo mà cũng chả bói ra miếng oai phai mô tê răng rưá mi, hi hi.

Thầy dằn cái chén chuyên tạc bằng sừng tê Nam Phi cái cạch lên cái bàn bằng gỗ trầm hương làm bay ra chút mùi thanh quý, chả thèm quay ngừi, vung ngược trảo ra sau lưng chộp cái cốp như biểu diễn cầm nả thủ rồi vung về phiá tê tê một vật dày cui trong cái thế như thần long quải vỹ. Nó đáp xuống ngay trước mũi iem cái bịch, mở banh tành như thiếu nữ ngủ trưa, làm mấy cái chén và cái bầu rượu bằng ngọc phỉ thuý run bần bật. Tưởng gì. Cuốn đại từ điển tiếng Việt. Dùng dằng liếc vào thì thấy ngay trang có mục từ “hiệu” với hai giọt nước miếng vẫn còn màu rượu hồ đào nhỏ như đầu kim nhoè nhoè ngay từ “hiệu quả” và từ “hiệu suất” xa nhau cả mấy thốn! Uả ổng học nước miếng thần chỉ hồi nào ta. kinh.

 

Tete xì can để mấy bạn cùng mục sở thị nè:

* hiệu quả: dt. Kết quả đích thực: hiệu quả kinh tế Lao động có hiệu quả cao.


Hiệu...


Hiệu...


Hiệu...


Hiệu...


* hiệu suất: d. 1 Kết quả lao động biểu hiện bằng khối lượng công việc làm được trong một thời gian nhất định. Tăng hiệu suất công tác. 2 Đại lượng đặc trưng cho mức sử dụng hữu ích năng lượng của một máy hay một hệ thống nào đó, bằng tỉ số năng lượng hữu ích với tổng năng lượng mà máy hay hệ thống nhận được. Nhà máy nhiệt điện có hiệu suất 50%.


Mí bạn thấy hai cái giọt hồng hồng hông (đâu có xạo, đúng hé?).



Tê mới ngước lên hỏi: “thầy...”


Ổng ngủ chỏng gọng từ hồi nào. Bùn tìn, tê cầm cái bình phỉ thuý tu hết lun để ngủ bên thầy cho nó phỉ tình. Híc. Bữa nào hết xỉn ta lại tót kờ ti típ.


pai.



Wednesday, 4 March 2009

Thường thường thui mừ


khacthuongbinhthuong magnify



Thầy em bỉu:

- tê tê mún làm ngừi bình thường hay dị thường

- uả là sao sư phụ

Trời mới có hỏi dị thui mà thầy em tuôn ra một tràng (chắc thầy cũng ấm ức hay chưa có dịp trình bày lí thuyết của mình, ai mừ nghe ổng, hi hi - chắc ổng hông có đọc bờ nốc của iem). Theo lời vàng của thầy iem thì sau khi nghiên kíu kim cổ, truy tầm tài liệu, thư tịch, phối kết hợp với nền tảng tri thức uyên thâm của mình thầy khẳng định lun (tự tin thấy ớn).

Thầy hỏi:

- khi gặp ngừi khác em nói chuyện chi

- Dạ cũng tuỳ nhưng nói chung nói chi miễn zui là tốt rồi thầy.

- tuỳ là tuỳ thế lào? Em nói ý tưởng, em nói vấn đề hay em nói về con ngừi. nói cho mạch lạc ta nghe coi!

Mama ơi, papa ơi, tự nhiên thầy hỏi chi cắc cớ zị tích chờ. Em cũng đâu hớ hênh khai tùm lum (học được ở thầy) nên nhỏ nhẹ.

- em càng học càng thấy ngu, thầy chỉ cho em lun để em thực hành cho tiện, em ghét lý thuyết suông đuột à nghe thầy.

Chiêu một ngụm cuốc lủi cho thanh giọng thầy rề rà:

- phàm những kẻ khác thường khi gặp nhau chỉ nói chuyện ý tưởng (không phải tưởng là bên Ý), zí như lý thuyết mới về hiện tượng lô cốt, kẹt xe, kẹt lun ngừi v.v. Hiểu không tê?

- Cũng hiểu sơ bộ bẩm thầy.

- phàm những ngừi tử tế gặp nhau thì nói về vấn đề. Là seo á (dùng từ tin tin ghia), cũng ví như vấn đề kẹt ngừi, kẹt xe sẽ ảnh hưởng ra sao đến các nguồn vốn ODA, dẫn đến ảnh hưởng lun đến dân nghèo (giàu cũng bị chớ bộ), làm gia đình con xào xáo chẳng hạn (ví dụ chi mà ác nhơn) vì con cứ đi sớm zià muộn, da dẻ ngày càng xấu do nổi mụn, mụt, táo bón zì keng thẻng vân vân các loại... rõ ràng chưa?

- Thầy dạy phải ghê lun nhưng lần sau ví dụ gia đình thầy á.

- Vẻ! cứ sĩ! Phàm những người không ra gì (sic) gặp nhau chỉ nói chuyện ngưì.

- Chuyện nhân sinh, nhơn loại cũng là chuyện muôn đời mừ sao thầy lại chê kỳ zậy.

- Ấy, chớ có hip hop tót vào họng ta. Nghe điển kiú nè. Ví như tê tê gặp cê cê cái bụp, liền nói, trời ơi cái con nhỏ ít ít trong cơ quan tui nó cà chua ghia, ngày nào cũng đi trễ, quần thì trể lòi quần mà chảnh thấy thương, hỏi tới thì biểu tại kẹt xe cứng ngừi chớ nào muốn tới sau mọi ngừi, cũng tại kẹt hoài nên ngừi ốm đi mới tuột tuột cái quần chơ không khoe hàng hiệu. Túm lại là rất ư chi 8 (viết bằng chữ là tám).

- Chết father, chết sure lun rùi. Em rất thích 8 thầy ui. Theo chuẩn của thầy thì em tự phê là nhiều lúc cố kìm thì cũng cỡ 7,9 nhưng khó chiụ trong miệng lắm lắm mừ đa số thì toàn lên tới 8,5 hay 9, thậm chí bù, híc.

- Con phải ráng tu thân, quản lý lấy mình nghe chửa, đừng có mà làm xấu mặt thầy.

- dà dà, thầy dạy chí phải.

Nói vậy cho tích chời vui phải không mấy bạn. iem thích làm ngừi bình thường thui, thỉnh thoảng hạ xuống tầm thường chút cho nó có hương vị chứ không tám được thì pùn thúi ruột. tức nhiên, ta cũng phải phấn đấu cho nó lên đời nhưng để lúc hết hơi, hết nói nổi phải nhứt cử lưỡng lợi không. Mình phải qua gặp nhỏ ít ít để kể cho nó nghe chuyện cê cê giả bộ kẹt xe để đi đú đởn mí được (mới nghe thằng cha i cờ rét kể lại chứ đâu). hê hê.

ai có chuyện hay ho nhớ bốn cộng bốn cho tê tê cái!

Sunday, 1 March 2009

February 28, 2009


violet magnify



Hôm này đã là ngày cuối của tháng Hai (February) có 28 ngày. Đặc trưng của tháng Hai là hoa vi ô lét tím rịm (lãng mạn ghia) hèn chi tháng này có cả ngày va lẻn tí ne, rùi có lun ngày của tổng thống (ngày thứ Hai lần thứ ba của tháng, năm nay là 16/02/2009), chắc ai phải cực lãng mạn mới làm được tổng thống (nhớ clinton không).

Đặc biệt năm nay cũng là năm có tháng Hai mà có tròn 4 tuần trong tháng (bắt đầu bằng chúa nhựt và kết thúc bằng thứ bảy). Phải đến 2015 mới gặp lại tháng Hai kiểu này, rồi đến 11 năm sau mới có lại, lại 11 năm sau... hiếm ha.

 

Để gút bai tháng hai, đọc truyện ngắn của cụ André Maurois nghen. Ông này cũng không tầm thường lắm đâu vì là nhà văn lớn của Pháp, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. ổng có cuốn Thư gởi người đàn bà không quen biết (nường này là nhơn vật tưởng tượng, chừng đôi mươi cộng 10 tuổi), viết khi ông đã hơn thất thập để giúp các cô ý có một vốn sống nho nhỏ trong cuộc sống.

 

Chuyện này hơi uỷ mị, diễm lệ mừ ai khó tính chắc sẽ kiu là zẹo chảy nước hay ma ri sến, kệ lâu lâu nghe “đời tôi cô đơn” cũng thấy hay hay vậy mà (nói hơi wá thui). Tuy chuyện này viết chắc từ hồi tui còn là hạt bụi bay vẫn vơ nhưng cụ tác giả nhận xét cũng y chang thời thổ tả hiện nay, trích từ truyện: “Thời đại chúng ta đang đói tình cảm. Nó giả vờ ngổ ngáo chỉ để che giấu hoài vọng tình cảm của nó mà thôi”.

 

********************************************************************

Hoa violet ngày thứ Tư

 

- Ô kìa, bà Jenny, bà ở lại đi !

 

Trong suốt bữa ăn chiều, Jenny Sóocbiê thật là rực rỡ. Rực rỡ ta muốn nói ở đây tức là tài năng của người nữ nghệ sỹ sân khấu, như một nữ văn sỹ tài hoa đã viết, có cả huyền thoại và chuyện thực quyện vào nhau, được gắn chặt bởi lòng nhiệt thành không bao giờ cạn. Say mê, hứng khởi, bị chinh phục, các thực khách của Lêông Lôrăng đều có cảm giác được sống những giây phút khoái trá, lãng quên cả thời gian.

 

- Không thể được đâu ạ, đã gần 4 giờ rồi, và hôm nay là ngày thứ Tư ... Ông biết đấy ông Lêông ạ, hôm nay là ngày tôi mang hoa violet đến cho con người đã từng yêu tôi tha thiết.

- Thật đáng tiếc, Lêông nói với giọng đứt quãng, làm cho không khí càng thêm long trọng.

- Vâng, tôi biết rõ lòng chung thủy của bà ... tôi không dám nài.

 

Bà ôm hôn các vị khách nữ, cánh đàn ông ôm hôn bà, và bà ra đi. Ngay sau khi bà vừa bước ra, mọi người đều bật lên lời khen ngợi :

 

- Bà ấy thật phi thường! Bà ấy bao nhiêu tuổi rồi ông Lêông ?

- Cũng sấp sỉ tám chục rồi. Hồi tôi còn nhỏ, khi mà mẹ tôi đưa tôi đến nhà hát kịch cổ điển Pháp thì Jenny đã nổi tiếng trong vai Xelimen rồi. Và tôi thì bây giờ chẳng còn trẻ trung gì nữa.

- Thiên tài không có tuổi, Klerơ Mênetơriê nói, Còn câu chuyện về những bông hoa ấy ?

- Cả một thiên tiểu thuyết, một hôm bà đã thổ lộ cho tôi chứ bà không bao giờ viết. Nhưng tôi không muốn liều kể lại khi không có mặt bà ở đây. Rồi nó tam sao thất bản đi thì đáng sợ lắm

- Đúng thế, kể cũng thật đáng sợ nếu tam sao thất bản. Nhưng chúng tôi là khách của ông, ông phải kể gì để khuây khỏa chúng tôi và thay thế bà Jenny chứ, bởi vì bà ấy đã bỏ chúng tôi lại

- Thôi đành vậy. Tôi sẽ cố thử kể lại câu chuyện những bông hoa Violet ngày thứ Tư. Tôi sợ câu chuyện mang quá nhiều mầu sắc tình cảm so với thị hiếu của thời đại chúng ta.

- Không sao, Béctơrăng Smít nói, Thời đại chúng ta đang đói tình cảm. Nó giả vờ ngổ ngáo chỉ để che dấu hoài vọng tình cảm của nó mà thôi.

- Ông cho là như vậy ? ... Thôi được ... Tôi sẽ làm đã cơn khát này... Các vị ở đây đều còn quá trẻ để có thể nhớ lại tiếng tăm lừng lẫy của Jenny trong suốt 1 thời gian dài như thế nào. Mái tóc vàng hung buông xõa trên đôi vai tuyệt đẹp, cặp mắt dài lúng liếng, giọng nói sắc, gần như lạnh lùng, bất chợt lại lặng đi vì xúc động; tất cả làm tăng thêm vẻ đẹp lộng lẫy kiêu kỳ!

- Ông vào đề hay quá, ông Lêông ạ.

- Vâng nhưng khí không hợp thời... Dầu sao cũng xin cám ơn lời khen của ông... Bà ấy đoạt giải lần đầu ở Viện Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ vào quãng năm 1895, và sau đó biểu diễn trong Hý kịch Pháp. Kinh nghiệm cho tôi hay rằng cái nhà hát nổi tiếng này cũng khó tính lắm. Diễn viên biểu diễn ở đó phải có chức danh và họ giữ khư khư lấy chỗ của mình. Những vai phụ có tài nhất có thể phải đợi ở đó hàng chục năm trời trước khi được đóng vai quan trọng nhất của Marivô hay của Molie. Jenny, cô gái rất điệu đà ấy, đã vấp phải những người đàn bà quyền uy và dai như đỉa. Người phụ nữ khác thì đã nín nhịn mà giẫm chân tại chỗ hay sau hai năm đã chuyển sang một nhà hát khu phố nào đó. Jenny của chúng ta đã không như thế. Cô ấy đã tuyên chiến, huy động tất cả những gì cô ấy có : tài năng nghệ sỹ, học vấn, vẻ đẹp quyến rũ và mái tóc làm say đắm lòng người.

 

Rất nhanh, cô đã giành được ở nhà hát 1 chỗ đứng hàng đầu. Nhà cầm quyền kính nể cô. Các nhà đạo diễn kịch đòi cô đóng những vai khó mà như họ nói, chỉ có cô mới đóng được. Các nhà phê bình chẳng tiếc 1 lời nào để tán dương cô. Ngay cả con người gớm ghiếc Xác Vây cũng viết : “ Cô ta có những điệu bộ, kiểu cách đến cá sấu cũng phải mê “.

Cha tôi, người quen biết Jenny từ thời gian đó, đã nói với tôi rằng, cô ấy hết lòng say mê nghề nghiệp của mình, diễn xuất 1 cách thật thông minh và luôn tìm cách gây những hiệu quả mới làm người xem ngã ngửa ra. Khi đó kịch trượt vào 1 chủ nghĩa hiện thực ngây thơ. Trong 1 vở nào đó tôi không nhớ, Jenny phải chết vì ngộ độc, cô đã đi đến các bậnh viện để tìm hiểu các hiệu quả của thuốc độc. Còn về cách biểu diễn tình cảm thì cô tự nghiên cứu ở chính mình.

 

Bằng nghệ thuật của mình, cô đã chỉ rõ sự thiếu thận trọng của Banzac khi ông này đem vào một trong những cuốn tiểu thuyết của ông những ham muốn cá biệt của riêng ông, hoặc của người phụ nữ mà ông yêu.

 

Các vị làm gì mà chẳng biết ngay rằng một cô cái mới hai mươi hai tuổi, đẹp lộng lẫy và đột nhiên đạt tới vinh quang sẽ được biết bao người theo đuổi. Bạn đồng ngiệp, rồi các nhà viết kịch, rồi các chủ nhà băng cố thử vận may. Một trong số họ, Henry Stan, được cô ưa thích. Không phải vì ông ta giàu. Cô sống chung với gia đình và cũng chẳng đòi hỏi gì quá cao sang. Chàng trai ấy quả thật rất có duyên và nhất là anh luôn luôn bày tỏ ý muốn được cưới cô làm vợ... Các vị cũng biết là đám cưới này bị hoãn lại vì bố mẹ Stan phản đối. Ba năm sau mới thành, nhung rồi cũng chẳng đi đâu vì Jenny vốn quen sống tự do không thể tự khuôn mình vào cuộc sống vợ chồng. Nhưng đó lại là một chuyện khác. Chúng ta hãy quay về với nhà hát Hý Kịch Pháp, với bước đường vào đời của bạn bè của chúng ta và với... những bông hoa violet.

 

Các vị hãy hình dung cảnh phòng giải lao của các nghệ sĩ vào cái đêm mà Jenny đóng lại trong vở "Nàng công chúa thành Bátđa" của Dumas con. Vở kịch có những hạn chế của nó; và tuy đang ngưỡng mộ những vở có cấu trúc vững chắc khác của ông như "Nửa vòng thế giới", "Bạn của những người phụ nữ, Frăngxiông, cái ông Dumas thái quá lần này trong vở "Người xa lạ" và "Nàng công chúa..." cũng vẫn làm tôi buồn cười. Tất cả những ai đã xem Jenny trong vai này đều phải công nhận là cô đã là cho vở kịch giống thực hơn. Tôi vẫn thường nói điều đó với bà Jenny. Điều kỳ lạ là người nghệ sĩ đã tin vào những gì mình diễn. "Vào buổi ấy,-bà nói,-tôi luôn nghĩ gần giống như những nhân vật chính của ông Dumas và tôi thấy thật là kỳ cục khi đem phơi bày trước ánh sáng những gì đang diễn ra trong tôi, nơi sâu kín nhất trong tâm hồn tôi." Cũng phải nói thêm là trong vai này, mái tóc buông xõa và đôi vai trần đã có tác dụng của nó. Tóm lại, cô đóng vai đó thật tuyệt vời.

 

Cô trở lại phòng giải lao giữa hai màn kịch, sau một tràng vỗ tay. Mọi người vây chặt lấy cô. Jenny ngồi xuống chiếc ghế con bên cạnh Henry Stan và nói huyên thuyên về thành công một cách hào hứng.

-Thế là thoát, anh Henry thân yêu...em lại nổi lên rồi! Cuối cùng em thở được...Anh đã nhìn thấy em ba hôm trước rồi đấy. Hôm đó em diễn tốt hơn có phải không nào?...Ùm một cái xuống tận đaý ao. Em ngạt thở...và tối nay hấp! Một cố gắng phi thường, em nổi trên mặt nước! Henry ơi, anh nói đi, liệu em có bị mắc cạn ở màn cuối không, nếu như em không biết cách bơi đến bờ? Ôi trời ơi, trời ơi!

 

Người dẫn khách bước vào và trao cho cô bó hoa.

-Của ai đấy? À, phải rồi, của Xanh Lu...Tình địch của anh đấy anh Henry ạ...Hãy để vào lô của tôi.

-Thưa cô, còn có một lá thư nữa,-Người dẫn khách nói.

Cô mở bức thư, đọc và phá lên cười.

-Của một cậu học sinh trung học...Cậu ta nói với em là ở trường cậu đã xây dựng một câu lạc bộ Jenny.

-Cả câu lạc bộ đua ngựa cũng thành câu lạc bộ Jenny-Henry nói thêm

-Cais cậu học sinh trung học này làm em xúc động hơn-Jenny nói-Và lá thư này còn kết thúc bằng một bài thơ...Anh thân yêu, anh nghe nhé"

"Và sau hết, hãy tha thứ cho tôi vì vần thơ giản dị

Đừng khinh rẻ những vần điệu của tôi

Tình yêu tôi vô cùng chân thật. Cầu xin nàng,

Đừng tiết lộ gì với ngài Hiệu trưởng:

-Không đáng yêu sao hả anh?

-Em sẽ trả lời họ chứ?

-Tất nhiên là không rồi! Có đến hàng tá nhưng loại như thế trong một ngày. Nếu em trả lời hết thì em còn làm được gì nữa. Nhưng mà điều này làm em yên tâm. Những người hâm mộ ở lứa tuổi mười sáu này; em sẽ giữ hộ được lâu hơn.

-Đã chắc gì,..Ba mươi tuổi, họ sẽ trở thành những ông chưởng khế.

-Nhưng vì sao những ông chưởng khế lại không tiếp tục hâm mộ em?

-Vẫn còn cái này nữa, thưa cô-Người dẫn khách nói.

 

Ông ta đưa cho Jenny một bó hoa Violet.

-ôi, xinh qua, anh Henry nhìn này...Không có danh thiếp a?

-Không, thưa cô...Người gác cổng nói lại với tôi là một chàng học viên trường sĩ quan pháo binh và công binh mặc đồng phục đã đưa đến chỗ ông ta.

-Em thân yêu-Henry Stan nói-anh có lời khen em đấy. Làm xúc động những "Cái đầu đầy ẩn số" ấy không phải dễ đâu.

 

Cô ngửi mãi mùi hương hoa Violet.

-Thơm quá,... đây mới chính là lời khen ngợi khiến em vui lòng...Em không yêu đám khán giả chín chắn và vô tình; họ đến xem em chết vào buổi tối cũng như buổi trưa họ đi ra quảng trường hoàng cung để nghe đại bác vậy.

-Đám khán giả nhẫn tâm-Stan nói-Họ luôn luôn là như vậy. Họ thích các trò xiếc...Thành công thật là mỹ mãn, nếu như một nữ diễn viên có thể nuốt được hàng trăm chiếc kim!

Cô bật cười

-Và người nuốt được chiếc máy khâu sẽ là tột đỉnh vinh quang.

Bên ngoài khán giả kêu ầm ĩ: "Diễn tiếp đi!" Jenny đứng dậy:

-Thôi nhé, chờ em một lát. Em đi nuốt nốt trăm chiếc kim của em đây.

Và thế đấy, theo như Jenny kể lại, thiên tình sử bắt đầu.

 

Thứ Tư sau, vào giữ giờ giải lao, người dẫn khách lại đưa cho Jenny một bó hoa violet, miệng tủm tỉm cười.

-Sao, lại của anh chàng học viên sĩ quan của tôi à?

-Vâng, thưa cô.

-Trông anh ấy thế nào?

-Tôi cũng không biết. Cô nên hỏi người gác cổng.

-Không, cũng chẳng có gì quan trọng lắm.

 

Tuần sau nữ, cô không diễn vào tối thứ Tư, nhưng khi cô đến rạp ngày thư Năm để tập thì đã thấy bó hoa violet có hơi héo ở trong lô của mình rồi. Khi ra về, dừng lại, cô hỏi người gác cổng.

-Ông Bécna, hoa violet của tôi là thế nào đấy? Vẫn là của anh chàng trẻ tuổi đấy à?

-Vâng, thư cô...đây là lần thứ ba.

-Anh ta giống ai, anh chàng học viên sĩ quan ấy mà?

-Anh ta thật dễ thương...dễ thương lắm...có hơi gầy một chút, má hõm, mắt quầng thâm. Có hàng râu con kiến. Một chiếc ống nhòm...Trông anh ta hơi kỳ quặc với chiếc kiếm bên người... Xin thề với cô là anh chàng này say đắm lắm. Anh ta trao cho tôi bó hoa và nói "Tặng cô Jenny Soocbie" và mặt anh ta đỏ ửng lên.

-Tại sao anh ta lại cứ đến vào ngày thứ Tư?

-Cô không biết sao? Thứ Tư là ngày họ được phép đi ra ngoài. Thứ Tư nào các bồn hoa và hành lang không đông nghịt những học viên sĩ quan, một người dẫn thêm một cô gái trẻ.

-Anh chàng của tôi cũng có chứ?

-Vâng, thưa cô, nhưng là chị của anh ấy. Họ giống nhau đến kỳ lạ.

-Chàng trai tội nghiệp! Ông Bécna, nếu tôi dám, tôi sẽ báo với ông cho anh ta lên chỗ tôi ít ra là một lần, để anh ta có thể tận tay trao hoa cho tôi.

-Thế hả, quả thực tôi chẳng dám khuyên cô như vậy đâu...Những chàng trai si tình ấy, chừng nào mà ta không tỏ ra quan tâm đến họ thì chưa có gì là nguy hiểm cả. Họ đứng từ xa mà chiêm ngưỡng các nữ nghệ sĩ, như thế họ cũng đã mãn nguyện lắm rồi... Ta chỉ hơi tỏ ra quan tâm đến họ một chút thôi, thế là họ bám chặt ngay lấy, lúc đó tình huống sẽ trở nên kinh khủng...Ta cho họ ngón tay, họ sẽ đòi cả bàn tay...Ta cho họ bàn tay, họ sẽ đòi cả cánh tay...Vậy đấy cô ạ,cô đừng cười, tôi có kinh nghiệm về chuyện này lắm rồi...Tôi ở đây đã hăm lăm năm nay. Tôi, tôi đã nhìn thấy ở ngay trong lô này khối cô gái si tình...và những chàng trai gàn dở...và cả các quý ông già nua nữa chứ... Tôi luôn luôn nhận hoa, nhận thiếp, còn cái chuyện để cho họ lên thì dứt khoát là xin đừng.

-Ông nói đúng đấy, ông Bécna ạ...Chúng ta cần phải lạnh lùng, cẩn tắc và có khi phải tàn nhẫn nữa.

-Đâu phải là tàn nhẫn hở cô. Lý trí đấy chứ.

 

Nhiều tuần lễ đã trôi qua. Cứ một thứ Tư, Jenny lại nhận được một bó hoa. Bây giờ cả rạp biết chuyện. Một nữ diễn viên nói với Jenny:

-Tôi đã nhìn thấy anh chàng học viên sĩ quan của chị rồi. Anh ta có khuôn mặt đẹp, trông thật lãng mạn. Một chàng trai sinh ra để diễn "Bỡn cợt" hoặc "Người bán nến"

-Sao chị biết đó là anh chàng của tôi?

-Tại vì tình cờ tôi có mặt chỗ người gác cổng khi anh ta đưa hoa đến và rụt rè nói:"Xin ông cho gửi tặng cô Jenny Soocbie." Thật cảm động. Hẳn là anh chàng này thông minh lắm. Anh ta sợ mọi người chê mình kỳ quặc, tuy nhiên lại không nén nổi lòng mình...Đã có lúc, tôi cứ tiếc là anh ta không đến vì tôi; tôi sẽ cảm ơn, sẽ an ủi anh ta. Mà chị phải nhớ là anh ta không đòi một cái gì đâu nhé, kể cả việc được gặp chị. Nhưng nếu tôi ở vào địa vị của chị...

-Chị sẽ tiếp anh chàng chứ?

-Đúng thế, một lát thôi...Đã bao năm nay. Rồi sẽ đến lúc nghỉ hè. Chị sẽ ra đi...Chẳng sợ anh chàng bám dài đâu...

-Chị nói đúng. Thật là điên rồ nếu ta rẻ rúng những người hâm mộ lúc này còn đông và còn trẻ, để đến ba mươi năm nữa ta chạy theo họ khi họ chẳng còn được mấy người và đã già khú đế ra rồi.

 

Tối hôm đó, khi ra về, Jenny nói với người gác cổng:

-Ông Bécna ạ, thứ Tư tới, khi anh chàng học viên sĩ quan mang hoa đến thì ông bảo với anh ta mang hoa lên chỗ tôi nhé, sau màn ba nhé...Tôi diễn vở Midăngtrốp. Tôi không phải thay trang phục. Tôi sẽ lên lô của tôi và tiếp anh ấy... Không, tôi đợi anh ta ở hành lang, dưới chân cầu thang,... hay ở trong phòng giải lao vậy.

-Vâng, nhưng cô không e ngại gì à?

-Có gì phải ngại? Mười ngày nữa tôi đã đi. Vả lại, lúc đó chàng học viên này bị nhà trường nhốt chặt rồi còn gì.

-Vâng...Tôi...điều tôi muốn nói là...

 

Thứ Tư sau, Jenny đóng vai Xelimen, mặc dù không cố ý, vẫn có vẻ như khao khát muốn được làm đẹp lòng con người chưa quen biết. Giờ nghỉ, khi vào hậu trường, cô có cảm giác bị cuốn hút, gần như lo âu. Cô ngồi ở phòng giải lao và đợi. Một vài người quen lượn lờ xung quanh. Ông giám đốc thì đang nói chuyện với Blăng Pecxong, lúc bấy giờ đang là tình địch của Jenny. Mãi chẳng thấy bộ quân phục màu vàng đen xuất hiện. Mỗi lúc cảm thấy một bồn chồn, rồi không giữ nổi kiên nhẫn, cô chạy đễn chỗ người dẫn khách:

-Không ai hỏi tôi sao?

-Thưa cô, không.

-Hôm nay đúng là thứ Tư, thế mà tôi chẳng hề nhận được những bông hoa violet. Hay là ông Bécna quên không đưa lên chỗ tôi?..Hoặc giả có sự nhẫm lẫn nào chăng?

-Nhầm lẫn? Nhầm lẫn thế nào được ạ, cô có cần tôi đến tận chỗ người gác cổng để xem lại không ạ?

-Vâng, ông vui lòng đi giúp...Nhưng mà thôi. Để tôi đi hỏi ông Bécna.

 

"Thế quái nào mà"..cô tự chế nhạo mình. Suốt sáu tháng trời mình hầu như không hề để ý đến tấm lòng thủy chung kín đáo ấy, thế rồi bỗng nhiên, vì không thể cứ hững hờ mãi, bây giờ mình lại bối rối như chờ đón người yêu...Ôi, Xelimen, cô sẽ luyến tiếc Anzét biết bao, khi chàng từ biệt cô với nỗi đau buồn.

 

Sau buổi diễn, cô bước vào buồng người gác cổng.

-Thế nào ông Bécna, người tình đầu tiên của tôi đâu, sao ông vẫn chưa cho anh ấy lên chỗ tôi?

-Thưa cô, cứ như thể là cố tình ấy. Hôm nay anh ta không đến...Lần đầu tiên cô nhận tiếp anh ấy, thì cũng là thứ Tư đầu tiên kể từ sáu tháng nay, anh ta không đến.

-Thật kỳ lạ! Ông có nghĩ là anh ta có thể được báo trước và sợ không dám đến không?

-Chắc chắn là không, cô ạ...Không ai biết là cô và tôi...Cô không nói gì. Còn tôi, tôi cũng không hề nói gì, ngay cả với vợ tôi...

-Thế ông giải thích việc đó như thế nào?

-Tôi chịu...Có thể là do ngẫu nhiên. Có thể anh ta nản chí. Có thể anh ta ốm...Thử chờ đến thứ Tư sau xem thế nào.

Nhưng thứ Tư sau, vẫn chẳng thấy chàng học viên sĩ quan, cũng chẳng thấy hoa violet.

-Làm thế nào bây giờ, ông Bécna? Liệu có thể nhờ đám bạn bè tìm anh ta không?...Hay nhờ ông hiệu trưởng?

-Nhưng bằng cách nào, ngay cả tên anh ta, chúng ta cũng có biết đâu?

-Ừ nhỉ... thật chán quá! Thế là hỏng hết rồi!

-Không đâu cô ạ...Năm tháng còn dài. Cô sắp đi biểu diễn ở các nơi, còn thành công nhiều...Có gì là hỏng đâu hả cô?

-Ông nói đúng. Tôi thật là một kẻ vô ơn...Chỉ vì tôi yêu những bông hoa violet ngày thứ Tư quá đấy mà.

Ngày hôm sau, cô tạm biệt Pari, Henry Stan vẫn đi cùng với cô. Ở khách sạn, buồng nào của Jenny cũng đầy hoa hồng. Khi trở lại Pari, cô đã quên chàng sĩ quan lãng mạn của mình.

 

Một năm sau, cô nhận được một lá thư của ông đại tá Jơnơvie nào đó, xin được gặp vì công việc riêng. Một bức thư hoàn toàn đứng đắn. Không có lý do gì để chối từ cuộc gặp gỡ. Jenny mời ông đại tá đến nhà cô vào một buổi chiều thứ bảy. Ông đến với bộ quần áo thường phục màu đen. Jenny đón tiếp ông bằng vẻ duyên dáng thường thấy trên sân khấu hơn là trong cuộc sống bình thường, nhưng trong thái độ của cô, tất nhiên, vẫn toát lên một câu hỏi ngầm: "Vị khách chưa quen này muốn gì đây?" Cô chờ đợi.

-Xin cảm ơn cô đã tiếp tôi, tôi không thể nào giải thích qua thư mục đích cuộc viếng thăm này. Nếu như tôi đã tự cho phép mình xin gặp cô, thì xin cô hiểu cho rằng đó không phải là một người đàn ông có ý nghĩ táo bạo ấy, mà là một người cha... Cô trông thấy tôi mặc đồ tang đấy. Tôi để tang đứa con trai tôi, trung úy Andre Jơnơvie, chết tại Mađagasca cách đây hai tháng.

Jenny làm một cử chỉ dường như muốn nói: "Xin chia buồn cùng ông với tất cả tấm lòng, nhưng..."

-Cô không biết con trai tôi...Tôi biết mà...Nhưng nó biết và ngưỡng mộ cô...Điều này với cô, có vẻ như khó tin...nhưng tất cả những gì nói sau đây đều là sự thật...Cô là người mà con tôi ngưỡng mộ và yêu mến nhất trên đời này...

-Tôi sợ là tôi không thể hiểu được...ngài đại tá ạ. Anh ấy nói với ngài như vậy à?

-Với tôi ư? Không...Nó đã nói điều đó với chị nó, người bạn tâm tình của nó...Mọi chuyện bắt đầu vào cái hôm hai chị em nó đi xem "Trò chơi của tình yêu và của Ngẫu nhiên" Các con tôi về nhà nói đến cô một cách hào hứng: "Sự e thẹn thật là tinh tế", "Lời thơ thật là xúc động"...Hàng nghìn điều khác nữa, mà tôi tin là có thật. tôi không hề nghi ngờ một chút nào, nhưng những điều ấy chỉ có thể có với nhiệt tình của tuổi trẻ, lòng khát khao lý tưởng...Con trai tội nghiệp của tôi vừa mơ mộng lại vừa lãng mạn.

-Trời ơi! Vậy chính là chàng trai...-Jenny thốt lên.

-Vâng, thưa cô, người học viên mà mỗi thứ Tư trong cả một năm trời đã mang đến cho cô những bó hoa violet, chính là Andre, con trai tôi...Cả điều này nữa tôi biết được cũng là do con gái tôi...Tôi hy vọng cái trò trẻ con ấy, như một lời ca ngợi không làm cô phật ý. Nó yêu cô ghê gớm, cô, hoặc cũng có thể là hình ảnh mà nó tạo nên từ cô... Chị của nó đã phải chạy vạy vất vả để có thể kiếm thêm được cho nó những bức ảnh của cô từ những người thợ ảnh...Ở trường nó bị bạn bè chế giễu vì tình yêu này...Họ bảo nó: "Vậy thì sao không viết thư cho cô ấy đi."

-Thế tại sao anh ta không viết?

-Nó đã viết, cô ạ, tôi có mang đây cho cô một chồng thư chưa bao giờ gửi mà chúng tôi đã tìm thấy sau khi nó mất đi.

 

Ông đại tá lấy từ trong túi ra một bó thư và đưa cho Jenny xem. Về sau bà có cho tôi xem, nét chữ nhỏ, thoắng, khó đọc...Kiểu chữ của những nhà toán học, cách hành văn của một nhà thơ.

-Xin cô hãy giữ những lá thư này, nó là của cô... Và xin cô hãy tha thứ cho chuyện kỳ quặc này...Tôi nghĩ là vì bổn phận của tôi đối với kỷ niệm của con trai tôi...Trong tình cảm mà cô đã khơi dậy trong nó, không có gì là thiếu tôn trọng hay dễ dãi. Với nó, cô là biểu hiện của sự hoàn hảo và duyên dáng...Và tôi xin cam đoan với cô là Andre cũng xứng đáng với tình yêu cao cả của nó.

-Nhưng tại sao anh ấy không đòi được gặp tôi? Tại sao bản thân tôi cũng không tìm cách để gặp anh ấy?...Tôi thật đáng trách. Tôi thật đáng trách quá...

-Đừng tự trách móc mình, cô ạ. Cô đã không thể tưởng tượng ra...Nếu như khi ra trường, Andre xin được phân đi Mađagasca, đó chính là vì cô, chắc chắn là như vậy...Đúng thế, nó đã nói với chị nó: "hoặc là em sẽ thoát khỏi tình yêu vô vọng này do xa cách, hoặc em sẽ làm nên sự nghiệp, và khi đó..."

-Đó không phải là những điều vĩ đại sao, lòng chung thủy ấy, tình kiên nhẫn ấy, và sự kín đáo ấy!-Jenny thốt lên.

Ông đại tá đứng lên. Jenny cầm lấy tay ông.

-Tôi nghĩ là tôi đã không làm điều gì xấu, tuy nhiên... có lẽ tôi cũng phải có bổn phận đối với người đã khuất, than ôi, vong hồn chưa được thỏa...Hãy nghe tôi, ngài đại tá, xin ngày hãy nói cho tôi biết nơi con trai ngài được chôn cất...Tôi xin thề với ngài là cho đến cuối đời, tôi sẽ đến, vào mỗi thứ Tư, đặt trên nấm mộ của anh ấy một bó hoa violet.

 

-Và đó là lý do tại sao-Lêông Lôrăng kết luận-lý do tại sao trong suốt cuộc đời mình, Jenny của chúng ta trở nên hay hoài nghi, cảm thấy vỡ mộng, một vài người thậm chí còn nói là trắng trợn, và con người đó cứ mỗi thứ Tư, lại từ bỏ bạn bè, công việc, và đôi khi cả tình yêu để một mình đi đến nghĩa trang Môngpacnax, đến bên nấm mộ người trung úy không bao giờ quen biết...Các vị có thấy là tôi có lý không, khi tôi nói rằng câu chuyện này là quá đậm màu tình cảm đối với thời đại chúng ta.

Một phút im lặng, rôi Béctơtrăng Smit nói:

-Vẫn luôn có những điều thơ mộng trên đời này cho những ai xứng với nó.