Saturday, 17 November 2007

Paradox




Anh bạn tui, cũng thuộc dạng học giả (chắc vậy vì thấy trên đầu còn rất ít tóc, đỡ tốn Xmen) gửi một bản văn rất ý nghĩa. Cặm cụi tra từ điển thì cũng hiểu sơ sơ nên chỉ dám phóng tác (tác nghiệp phóng túng).

Tựa của en trì và cũng là tựa của bài dưới. Diễn nôm là trái với sự hợp lý nhưng ai biết cái nào là có lý vì biết dựa trên cái lý nào để phân định lý với non-lý, hí hí.

Là vầy:

Danh hài George Carlin của thập niên 70, 80 đã viết những thứ thực là hùng biện và cực kỳ xác đáng và cực kỳ ấn tượng. Chỗ này mở ngoặc chút xíu là còn nhiều chuyện phải nói về tác giả thực sự của bài này – xem ở phần sau đó!

Nghịch lý.

Nghịch lý trong thời đại của bọn mình đối với lịch sử là chúng ta tôn cao thêm những toà nhà nhưng hạ thấp những đền thờ, mở rộng đường cao tốc nhưng thu hẹp tầm nhìn. Chúng ta chi tiêu nhiều hơn nhưng có ít hơn, chúng ta mua sắm nhiều hơn nhưng hưởng thụ ít đi. Chúng ta có những ngôi nhà to hơn và những gia đình bé đi, nhiều tiện nghi hơn nhưng ít thời gian hơn. Chúng ta nhiều bằng cấp hơn nhưng ít cảm xúc, tăng kiến thức nhưng giảm khả năng phán xét, nhiều chuyên gia nhưng cũng nhiều vấn nạn hơn, nhiều dược phẩm hơn nhưng sự lành mạnh lại bèo đi.

Chúng ta uống quá nhiều, hút quá nhiều, chi tiêu quá hoang phí, cười quá ít, lái xe quá nhanh, dễ giận quá, thức quá khuya, tỉnh dậy quá mệt mỏi, đọc quá ít, xem ti vi quá nhiều và rất rất hiếm cầu nguyện.

Chúng ta nhân lên tài sản nhưng giảm giá trị của chính mình. Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá bủn xỉn mà lại quá thường ganh ghét.

Chúng ta học cách kíêm sống chứ không phải xây dựng cuộc sống. Chúng ta cộng dồn năm tháng vào cuộc sống chứ không sống đến từng ngày. Chúng ta dẫm nát đường đến nguyệt cung bằng những chuyến khứ hồi nhưng không thể băng qua đường để chào người hàng xóm mới. Chúng ta chinh phục không gian bên ngoài nhưng lãng quên những vùng miền bên trong. Chúng ta làm chi những chuyện to tát hơn nhưng nào phải là những chuyện tốt hơn.

Chúng ta lau chùi sạch sẽ không khí nhưng để mặc tâm hồn bẩn nhiễm. Chúng ta bẻ gãy nguyên tử nhưng chào thua thành kiến. Viết nhiều hơn nhưng học ít hơn. Hoạch định thật nhiều để rồi hoàn thành thật ít. Chúng ta học cách vội vã thay vì chờ đợi. Chúng ta thiết kế nhiều máy tính hơn để giữ nhiều thông tin hơn và tạo ra nhiều bản sao hơn bao giờ hết nhưng giao tiếp ít dần ít dần.

Đây là thời của thức ăn nhanh và tiêu hoá chậm, những gã người to lớn với tính cách èo uột, những đường lợi nhuận cực dốc và những tương quan hời hợt. Ôi những ngày của hai nguồn thu nhập nhưng ly hôn cũng nhiều hơn, những ngôi nhà lộng lẫy hơn nhưng gia đình tan hoang. Thời của những chuyến đi chớp nhoáng, tả giấy, sổ toẹt đạo đức, trú ngụ một đêm, béo phì, thời của những viên nhộng có thể tạo mọi thứ từ niềm hân hoan đến sự lặng im, đến sự giết chóc. Đó là thời có rất nhiều thứ nằm sau những cửa kính trưng bày nhưng trống rỗng trong kho. Thời mà công nghệ có thể mang những con chữ này đến cho bạn, cũng là thời bạn toàn quyền chọn cách chia sẽ những suy tư này hay đập phím delete...

Nhớ! Dành thời gian cho những người thương iêu của mình, họ không ở quanh bạn mãi đâu.

Nhớ! Nói năng tử tế với ai đó đang ngưỡng mộ bạn, đừng tưởng họ sẽ không lớn mạnh.

Nhớ! Ôm người bên cạnh mình thật ấm áp, đó là kho báu duy nhất từ con tim bạn mà lại không phải mất một xu.

Nhớ! nói “tui iêu you” với những người mình yêu thương vì đa số xứng đáng với điều đó. Nụ hôn và vòng ôm bằng tình yêu sâu xa sẽ chữa lành những tổn thương.

Nhớ! Giữ chặt tay trong tay và thực máu lửa những khoảnh khắc này vì ngày nào đó người ấy sẽ không còn ở chốn xưa.

Dành thời gian cho yêu thương, dành thời gian cho những tỏ bày bằng lời nói! Dành thời gian để chia sẻ những suy tư quý báu của mình.

Luôn khắc cốt:

Cuộc sống không tính bằng số hơi thở của chúng ta mà chính là khoảnh khắc bọn mình đếch thở được nữa.

Chà, cái người mô viết những thứ nghịch lý thiệt là có lý!

Tuesday, 6 November 2007

Mách có chứng nè




Em hổng đếm được trong khuôn viên Ha vợt da này có mấy khu nhà như ảnh trên mà chỉ biết nhủ thầm là nhiều. Đa số màu Crimson, một số màu trắng, kiểu dạng cờ lát sít cũng có mà hiện đại cũng có, ráng qua đó mà coi cho biết ai hông nói dóc.

Đây là cái cổng, khu đại học này có 36 cái cổng y vậy, chắc để những cô cậu nào lỡ đi chơi khuya zìa thì cũng khỏi tranh nhau leo chung 1 cái. Thấy cũng thường thôi há, dù trong cổ kính, trang trọng nhưng thua xa những cổng trường của ta về sinh khí và sức sống ngồn ngộn với những hàng quán.

Bác John Harvard ngồi xa xa, trông khá cô độc, tuy chỉ sống ở thành phố này (lúc ý là 1936 và vẫn là thuộc địa của Anh) chưa đến 18 tháng (trước đó ở Anh) và là cha xứ của vùng này nhưng nhờ đóng góp cho trường mà được mấy trăm năm bia đá, bia miệng thì chắc cũng được nghìn năm (em không kiểm chứng được nghe).

Tượng của bác do nhà điêu khắc Mỹ (dù ông tên Pháp) Daniel Chester French thực hiện. Ông này cũng học ở MIT có một năm thôi rồi về nhà làm ruộng (sao ai bỏ dỡ đại học cũng thành danh, biết vậy em đừng học xong thì có hay hơn không). Ông là một trong năm người được in trên bộ tem những người Mỹ vĩ đại năm 1940.

Bác gần xịt nè nhưng mà theo nhiều tài liệu thì tượng này lấy mẫu từ một chàng sinh viên chứ lúc đó bác đã quy tiên mất tiêu. Trông rất tây, đẹp giai nhưng quan trọng là bác ngồi đấy cho mọi người sờ chân.

Khu cư xá dành cho sinh viên. Màu đỏ thẩm (crimson) này cũng là đặc trưng riêng của ha vợt nghe (nên trường còn có biệt danh là Crimson). Nhưng chỗ nì mở ngoặc chút là tượng bác John là ở sân chính (Harvard Yard) chứ cư xá này là của trường Harvard Business School (HBS) ở phía bên kia bờ sông.

Phòng cá nhân trông cũng rất bèo bọt, chật hẹp thua xa các khách sạn phòng trọ của mình rồi. Rộng chừng 2m, từ ngoài vào bên phải gặp ngay toa lét nhỏ xíu như của mấy chú lùn, rồi đến giường ngủ cá nhân cũng có chăn ấm nệm êm (phải nằm gai nếm mật mới nên sự nghiệp chứ). Nhưng mà kế bên giường ngủ còn có cái kệ chắc đang ngủ mà giật mình nhớ lại chưa làm bài tập thì cứ tồng ngồng ngồi ngay đó làm luôn (ác thiệt).

Bên trái nè: kệ làm việc kết hợp bàn và chắc là chỗ ngủ cho khách lỡ tới thăm phải tá túc qua đêm.

Toilet, kêu là restroom đi cho nó có tính nghỉ ngơi, thư giãn, thoải mái, đúng là xa hoa wá. Phải chi các em học sinh, sinh viên của mình được mấy cái giống vậy thì tinh thần thoải mái, chí khí hưng phấn thì học chắc gì đã thua cái đại học “tầm thường” này.

Hành lang của dãy phòng, thấy hun hút ghê há, đáng kiếp những đứa nào chui đầu vô đây, cho cô đơn mà bị trầm cảm chơi, hay căng quá thì bị xì chét ai biết.

Sân chơi, thư giãn nhưng hổng có ai ngồi vì ghế bằng sắt, lạnh ngắt trong gió se sắt, ai yêu yếu ngồi chút dám bị cảm tái ngắt.

Thư viện này của trường HBS, dòm cũng đâu hơn gì thư viện quốc gia ở đường Lý Tự Trọng (HCM) đâu hén.

Lối vào gì trông như bưu điện xã vậy nè, nếu đi tới chút lên cầu thang liền (trái phải chi cũng được thì sẽ được vào chỗ cấm chụp ảnh ở hình kế.

Bên trong (lầu 1) kêu là giữ y như 100 năm trước, wa!

Hệ thống thư viện của HV, mà trung tâm là thư viện này (Widener Library) nằm ở Harvard Yard gồm 90 thư viện khác nhau với trên 15 triệu ấn phẩm được coi là lớn thứ tư thế giới sau thư viện quốc hội Mỹ (Library of Congress), thư viện Anh (British Library) và thư viện quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale). Thấy ba cái cờ không, chỉ có cái trường huy (huy hiệu trường kiểu như nhà thì có gia huy, nước thì có quốc huy) hình cái khiên có ba cục hình ba cuốn sách đang mở cho ba cụm từ “VE”, “RI”, “TAS” tức Veritas (còn nhớ câu in vino veritas chứ).

Bữa em đến có một sân khấu ngoài trời phía đối diện đang rầm rộ chuẩn bị (chắc chào đón em ghé thăm) nên tiện em chụp qua chồng ghế chuẩn bị hội diễn cho nó thấy mình cũng biết góc nhìn tối tạo!

Lối nhỏ quanh co, cỏ bò đầy tường!

Chiều chiều em đạp xe, chạy hoài hổng thấy dốc, thôi khoá lại cho mốc chơi. Vậy mà mấy em ở đây chẳng có chút tinh thần cảnh giác gì cả ta, phải treo cái biển “khoá cũng mất” mới ép phê chứ?

Giá áo treo ngay trong phòng ăn làm nhớ câu...

Phường giá áo túi cơm, hic! May ở đây chỉ có bánh mì với đồ ăn tây nên chắc tụi nó lo học cho hộc cả bánh mì với spaghetti.

Bếp ngay phía sau, trông cũng sạch sẽ và chắc đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nghen.

Ăn xong vô đây học. Chật chội quá hén, đã vậy ai cũng có cái bảng tên ngay trước mặt, chỗ ngồi bố trí hình cánh quạt, giật cấp y như tiệm xinê trống hoang trống hoác vậy thì biết trốn đi đâu nếu không thuộc bài.

Thôi in ít thôi chứ lại bảo em khoe khoang (ngay chóc luôn). Mí lại cứ cắt cắt dán dán em thấy đau hết cả hai tay, mềm hết cả mười ngón xuân nồng của em.

Tham quan đã đời em bảo, thôi đợi tui nghe, để qua bên MIT kế đó coi sao đã mới quyết định học ở đâu. Bà giáo thấy em chảnh ngược lên trời vậy cũng hoảng nên bảo “học đâu cũng vậy, học đây tụi tui cám ơn mà”.

Tin nổi không?